Dubai: Hoa mắt giữa chợ vàng

Souk tiếng Arập có nghĩa là chợ. Và ở nơi có đến 80% dân số là người nước ngoài như Dubai, ai cũng hiểu Gold Souk là chợ vàng. Nằm bên phía hữu ngạn của rạch nước mặn Dubai Creek, nơi này là một trong những trung tâm buôn bán vàng lớn nhất thế giới.

Thứ sáu là ngày nghỉ cuối tuần theo lịch Hồi giáo, Gold Souk không mở phiên sáng, nên tôi và Sheila phải đợi phiên chiều mở lúc 4-5 giờ mới ra chợ. Đi gần đến cổng, thấy bạn đồng hành gỡ kính mát, Sheila nửa thật nửa đùa: “Người ta nói vào đó phải đeo kính cho đỡ chói mắt đó!”.

Những kiệt tác kim hoàn

Trên cổng chào bằng gỗ nâu sẫm chạm trổ hoa văn cầu kỳ của Gold Souk lấp lánh dòng chữ bằng tiếng Anh và tiếng Arập: Dubai – City of Gold (Dubai – Thành phố vàng). Những người xây chợ hẳn là có ngụ ý nào đó khi làm cổng chào cao sững này, bởi ở vùng sa mạc như Arập, gỗ tấm xưa nay được xem là vật liệu của chốn vương giả. Phía sau cổng chào, một lối đi có mái che và xà cột bằng gỗ kéo dài trăm mét, hai bên sáng rực các gian hàng bày vàng bạc châu báu đúng kiểu Arập: đầy ắp và la liệt.

Áo khoác bằng vàng gắn đá quý. Ảnh: SBD
Áo khoác bằng vàng gắn đá quý. Ảnh: SBD

Trong các ô kính, nhẫn và vòng tay kết thành xâu giăng dọc giăng ngang, dây chuyền thả dày xuống như rèm, và vòng đeo cổ diêm dúa quấn kín cổ mannequin bán thân. Đã đi trước vài gian hàng, Sheila trở lại kéo bạn đồng hành đến trước một tủ kính để chiêm ngưỡng thứ tưởng chỉ có trong cổ tích Arập: Một chiếc áo khoác vàng óng ánh có dải nẹp viền gắn đá quý lung linh! Đây đó, trong các gian hàng có những kiệt tác kim hoàn khác ngoài sức tưởng tượng: những tấm mạng che mặt, những đai choàng chéo vai áo didasha, và những dây đeo lưng có bản rộng 10 phân. Tất cả được chế tác từ vàng, tinh tế, cầu kỳ, và lấp lánh.

Sách du lịch giới thiệu Gold Souk vào những năm 1900 chỉ có vài tiệm vàng, nhưng từ những năm 1940 thì sầm uất lên nhờ thu hút các thương nhân Iran và Ấn Độ sang mở tiệm chính sách tự do mậu dịch miễn thuế kinh doanh. Công chế tác lại rẻ, nên các tiệm vàng ở đây có thể tạo ra những món hàng có giá không đâu cạnh tranh nổi, không đâu hấp dẫn bằng. Và khách tứ phương đổ về chợ này mua vàng thì được phép muốn mang bao nhiêu vàng qua cửa khẩu thì mang.

Lời chào mời bị bỏ bùa

Sheila dán mắt vào những ô kính trưng đầy vòng tay rộng bản và dây đeo cổ rườm rà. Ở đó, cũng như cô, những người phụ nữ Arập che mặt bằng mạng đen cứ sáng mắt lên ngắm những món vàng to dày và chói lóa. Nhưng đám khách xí xồ tiếng Hoa, tiếng Hàn có vẻ cùng gu với tôi. Trước các tủ hàng bày nhẫn và dây chuyền thanh mỏng, họ hết ngắm nghía, chỉ trỏ, rồi lại thỉnh thoảng bấm bấm tay, chắc đang tính xem giá nhẫn vàng 18-24 cara ở Gold Souk rẻ hơn bao nhiêu so với bên nhà.

Cửa hàng có tên Milan bày ngổn ngang trong tủ những chiếc nhẫn mỏng. Cái giá trên dưới 400 dirham (tương đương khoảng 100 USD) một chiếc đã níu chân chúng tôi đủ lâu để người đàn ông sau quầy cất tiếng hỏi:

– Tôi giúp gì được cho các cô?

– À không, chúng tôi chỉ xem thôi. – chỉ xem thôi, vì cả tôi và Sheila mỗi người chỉ đem theo trong ví khoảng 200 dirham.

– Cô có muốn đeo thử một chiếc không? Đây, thử chiếc này đi! Tin tôi đi! Nó hợp với ngón tay gầy của cô hơn những chiếc to bản kia. Cứ thử đi! Cô không phải mua đâu! …

Chợ vàng chỉ bán vàng bạc châu báu. Ảnh: Mai Mai Hương
Chợ vàng chỉ bán vàng bạc châu báu. Ảnh: Mai Mai Hương

Như những người bán hàng ở chợ gia vị Spice Souk, và chợ tơ lụa Silk Souk cách đó vài con phố, những người bán hàng ở Gold Souk có thể làm sự rụt rè của khách bốc hơi theo gió khô sa mạc bằng lời chào mời như bỏ bùa: “Thử đi! Không phải mua đâu!”. Nếu không nghĩ đến sự eo hẹp của túi tiền, nếu không nhớ rằng mình chỉ còn khoảng 900 dirham cho 4 ngày tới, tôi sẽ mượn luôn số tiền trong ví Sheila, rồi sẽ vui sướng rời khỏi tiệm vàng Milan với chiếc nhẫn 22 cara lấp lánh trên ngón tay.

Những kẻ rửa tiền

Không có bóng dáng phụ nữ đứng bán hàng ở Gold Souk. Công việc này, theo truyền thống Hồi giáo, chỉ dành cho cánh đàn ông. Ngay cả khi phần lớn dân Dubai là người ngoại quốc, và nhiều chủ tiệm ở Gold Souk không theo Hồi giáo, phụ nữ xuất hiện ở chợ này chỉ có mỗi việc là đi mua vàng! Bởi thế, huyên náo trong các cửa hàng, và trên lối đi xuyên chợ là tiếng của những người đàn ông lúc gọi nhau í ới, lúc nói điện thoại oang oang, lúc kêu với theo vị khách vừa trả một giá đã vội bỏ đi.

Lối vào chợ vàng. Ảnh SBD
Lối vào chợ vàng. Ảnh SBD

Xen lẫn trong huyên náo đó là tiếng kéo vali rào rào. Âm thanh này làm tôi nhớ đến bài viết được một đồng nghiệp dịch từ báo Pháp 6 năm về trước. Bài này kể rằng Dubai là thiên đường rửa tiền và một trong những cách rửa tiền đơn giản mà các tay mafia bên ngoài UAE thường dùng là đặt mua từ xa một lượng lớn vé máy bay đường dài, hay hàng đắt tiền ở Dubai, sau đó cho đồng bọn đến gặp trực tiếp chủ hàng hay các phòng vé để hủy đơn hàng và nhận lại tiền mặt, rồi từng vali tiền được kéo ra Gold Souk để mua vàng chuyển về bản quốc. Tôi nhớ là như thế, nên tôi cứ nhìn những người kéo vali qua lại như thể họ đang đi… rửa tiền!

Càng tối Gold Souk càng đông. Bắt lấy ánh sáng từ những ngọn đèn trang trí, bạc vàng châu báu càng lúc càng rực rỡ hơn thay cho cái nắng chói chang đã tắt ngoài kia. Đó đây ánh đèn flash từ máy ảnh của du khách lại làm các ô kính đầy vàng thỉnh thoảng chói lóa lên. Cuối lối đi có mái che của Gold Souk là một cổng chào bằng gỗ khác như ở đầu chợ. Trên đó, dưới dòng chữ lấp lánh Dubai – City of Goldbằng tiếng Anh và tiếng Arập, một bảng chữ điện tử trông hiện đại và toàn cầu hơn đang đều đặn cập nhật giá vàng, ngoại tệ, và các chỉ số của các sàn giao dịch trên khắp thế giới. Bảng này chỉ ngừng chớp tắt khi chợ vàng đóng cửa vào lúc 10 giờ đêm, lúc chúng tôi ra về với đôi mắt đã hoa lên vì vàng.

Vị trí

Chợ vàng Gold Souk nằm ở khu vực đường Khalid Bin Waleed và đường Sikkat al-Khali, thuộc khu Al Dhagaya, quận Deira, thành phố Dubai.

Các tuyến xe buýt đi qua khu vực Deira đều có trạm dừng ở Gold Souk.

Giờ mở cửa

Phiên sáng: 9 giờ đến 13 giờ

Phiên tối: 16 giờ đến 22 giờ

Vào ngày thứ sáu và thứ bảy, chợ đóng cửa vào buổi sáng.

Mua và bán

Giá cả được niêm yết nhưng vẫn cần phải trả giá.

Sản phẩm kim hoàn ở Gold Souk được chính quyền đảm bảo về chất lượng.

Bạn có thể mua vàng bằng tiền mặt, hoặc bằng các loại thẻ thanh toán quốc tế.

[Sài Gòn Tiếp Thị, 6.2012]


Ảnh chính: Vàng treo như rèm giăng trong một cửa hàng ở Gold Souk. Tác giả: Mai Mai Hương

Viết bình luận